Lá bạc hà không chỉ làm thơm miệng mà còn hỗ trợ miễn dịch, tăng sức khỏe mắt, giúp ngủ ngon.
Là loại thảo mộc phổ biến trong gia đình, bạc hà chỉ một số giống cây trồng thuộc họ Mentha, bao gồm bạc hà cay, bạc hà lục và bạc hà táo. Mặc dù được biết đến nhiều nhất với hương vị sảng khoái và khả năng làm hơi thở thơm mát, bạc hà còn thực sự có lợi cho sức khỏe theo nhiều cách.
Tăng cường sức khỏe miễn dịch
Rhyan Geiger, chuyên gia dinh dưỡng, chủ sở hữu của Phoenix Vegan Dietitian, cho biết: “Polyphenol và flavonoid là hai nhóm hợp chất thực vật có trong bạc hà, cùng nhiều chất chống oxy hóa khác, giữ cho tế bào khỏe mạnh và không bệnh tật. Chất chống oxy hóa giúp bảo vệ tế bào chống lại các gốc tự do hoặc các phân tử không ổn định gây tổn hại. Những hợp chất hoạt tính sinh học này cũng làm giảm viêm, tăng cường hơn nữa hệ thống miễn dịch. Nghiên cứu thậm chí còn tìm thấy bạc hà có tác dụng chống ung thư”.
Hỗ trợ sức khỏe răng miệng
Bạc hà được đưa vào vô số sản phẩm chăm sóc răng miệng, từ kem đánh răng, nước súc miệng cho đến kẹo cao su và bạc hà thơm miệng. Nó không chỉ làm hơi thở thơm mát mà dầu bạc hà còn có đặc tính kháng khuẩn, kháng nấm và kháng sinh để ngăn ngừa hoặc giúp điều trị một loạt vấn đề về sức khỏe răng miệng.
Tăng cường sức khỏe mắt
Là một nguồn cung cấp vitamin A dồi dào, bạc hà cũng có lợi cho sức khỏe của mắt. Loại vitamin tan trong chất béo này đóng vai trò không thể thiếu cho mắt hoạt động tối ưu. Vitamin A cũng giúp ngăn ngừa một số bệnh về mắt, như thoái hóa điểm vàng.
Củng cố sức khỏe trí não và giấc ngủ
Nghiên cứu mới còn phát hiện ra bạc hà có lợi cho một số khía cạnh của sức khỏe não bộ và giấc ngủ, có thể do nó có hàm lượng hợp chất hoạt tính sinh học. Một thử nghiệm đối chứng ngẫu nhiên năm 2018 đã phát hiện ra rằng bạc hà giúp cải thiện chức năng nhận thức và giảm mệt mỏi về tinh thần. Trong khi đó, một nghiên cứu năm 2021 trên sinh viên đại học cho thấy việc ăn bạc hà có thể cải thiện trí nhớ và chất lượng giấc ngủ, đồng thời giảm các dấu hiệu căng thẳng, lo lắng. Ngoài ra, một nghiên cứu năm 2020 đã gắn liệu pháp hương thơm bạc hà với chất lượng giấc ngủ tốt hơn ở bệnh nhân ung thư.
Tăng cường sức khỏe đường ruột
Bạc hà như một chất làm giãn cơ trơn cho toàn bộ đường tiêu hóa (GI). Bạc hà có thể hỗ trợ xử lý đầy hơi, chướng bụng đến táo bón và tiêu chảy. Nghiên cứu cũng phát hiện ra loại thảo dược này đặc biệt có lợi cho các triệu chứng của hội chứng ruột kích thích (IBS).
Hỗ trợ sức khỏe tim mạch và trao đổi chất
Geiger giải thích: “Vì bạc hà có nhiều chất chống oxy hóa nên nó giúp ngăn ngừa các bệnh mãn tính như bệnh tim và tiểu đường. Điều này là nhờ vào khả năng chống lại gốc tự do của các hợp chất có trong bạc hà, cũng như khả năng chống lại tình trạng viêm trong cơ thể, cả hai đều là tác nhân chính gây ra những tình trạng nghiêm trọng”.
Hỗ trợ sức khỏe hô hấp và xoang
Cuối cùng, bạc hà có thể củng cố sức khỏe hô hấp và xoang tốt hơn. Điều này một phần là do đặc tính kháng khuẩn và kháng virus của bạc hà. Trên thực tế, bạc hà còn được phát hiện có hiệu quả chống lại Covid-19, giảm long đờm, làm tan chất nhầy để giảm ho. Ngoài ra, bạc hà còn được biết đến với tác dụng làm dịu cơn đau họng và giảm đau khắp cơ thể – những mối lo ngại phổ biến khác liên quan đến các vấn đề về ngực và xoang.
Cách sử dụng bạc hà tại nhà
Một trong những cách sử dụng bạc hà phổ biến nhất là uống trà bạc hà được làm từ vài thìa bạc hà tươi hoặc khô cho vào nước sôi. Trà bạc hà đóng túi cũng có thể mua ở hầu hết các cửa hàng tạp hóa.
Geiger gợi ý: “Thêm bạc hà vào món salad dưa chuột, dưa hấu, sinh tố, nước hoặc sốt pesto. Bạc hà cũng có thể là một nguyên liệu bổ sung thơm ngon cho các món sốt, súp, đồ nướng và thậm chí là bánh mì để cung cấp protein”.
Một số người nhai lá bạc hà tươi thay kẹo cao su trong khi những người khác lựa chọn liệu pháp trị liệu bằng tinh dầu bạc hà hoặc bôi tại chỗ. Tuy nhiên, nếu sử dụng tinh dầu bạc hà trên da, hãy nhớ pha loãng nó với dầu vận chuyển như dừa hoặc jojoba để tránh kích ứng.
Trả lời